Răng bạn bị hô đã nhiều năm và cuối cùng bạn cũng quyết định chỉnh nha để “nâng cấp” nụ cười. Bạn thấy khoản đầu tư này thật xứng đáng. Nhưng không bao lâu sau khi niềng răng, bạn phát hiện răng mình lại bị hô trở lại và cảm thấy thất vọng. Nếu bạn đang trong tình trạng này, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân răng hô trở lại sau khi niềng và cách “giải cứu” hàm răng của mình.
Mục lục
Các yếu tố tác động khiến răng có thể bị dịch chuyển sau khi niềng răng
Có nhiều lý do khiến răng bạn bị xê dịch sau khi bạn đeo niềng răng. Mỗi ngày răng của bạn phải chịu những áp lực khác nhau. Khi bạn nói, lưỡi của bạn liên tục ép vào răng. Khi bạn nhai, răng của bạn phải chịu áp lực lặp đi lặp lại. Ngay cả khi bạn cười, hoặc khi bạn hắt hơi, các cơ khác nhau trong miệng và trên khuôn mặt của bạn cũng chuyển động. Theo thời gian, điều này có thể ảnh hưởng đến vị trí của răng.
Bên cạnh những yếu tố này, những yếu tố như lão hóa, nghiến răng khi ngủ, và thậm chí cả di truyền cũng có thể ảnh hưởng đến vị trí của răng. Răng thường có xu hướng luôn đi theo con đường chịu ít lực cản nhất, vì vậy nếu không có vật gì giữ chúng cố định, răng của bạn có thể tiếp tục di chuyển.
Tại sao răng hô trở lại sau khi niềng răng?
Tình trạng răng tiếp tục chìa ra sau khi niềng răng là rất phổ biến, đặc biệt là trong năm đầu tiên sau khi niềng răng. Nguyên nhân rất đơn giản đó là do răng của bạn đã bị xê dịch nhưng vẫn chưa cố định hoàn toàn vào vị trí mới. Lý do răng chưa ổn định sau khi niềng răng có thể tìm hiểu qua cơ chế dịch chuyển răng khi chỉnh nha như sau:
– Khi niềng răng và các phương pháp điều trị chỉnh nha khác làm di chuyển răng của bạn, chúng sẽ khiến cơ thể bạn tái tạo xương xung quanh răng. Cơ chế của việc tác dụng lực là loại bỏ xương ở một bên khi lực đẩy quá mạnh và răng sẽ được di chuyển đến 1 vị trí mới trên xương răng. Tuy nhiên, phần xương mới này ban đầu có thể không cứng bằng xương ban đầu của bạn. Điều này có nghĩa là răng của bạn có xu hướng di chuyển trở lại vị trí cũ.
– Ngoài ra, dây chằng nha chu, mô mềm thực sự giữ răng của bạn ở đúng vị trí, ban đầu chưa thích nghi với vị trí răng mới của bạn. Thay vào đó, nó chỉ căng ra như một sợi dây cao su, có xu hướng kéo răng trở lại. Theo thời gian, sự giãn của dây chằng nha chu sẽ kích thích sự phát triển của xương xung quanh răng bằng cách tăng sản xuất nguyên bào xương, tế bào tạo xương. Giữ răng ở vị trí lâu hơn một thời gian để cơ thể có thời gian hình thành xương và làm chắc răng ở vị trí mới.
– Nguyên nhân cuối cùng có thể bắt nguồn từ việc bỏ qua giai đoạn điều chỉnh khớp cắn hay còn gọi là chỉnh nha chức năng. Việc bỏ qua thời gian điều chỉnh khớp cắn mà chỉ chỉnh nha thẩm mỹ này dẫn đến khớp cắn hô vẫn tồn tại và các răng của bạn sẽ dần bị đẩy trở lại vị trí cũ khi ăn, nhai về sau hoặc khi chịu ảnh hưởng của tuổi tác.
Qua phân tích cơ chế răng bị hô trở lại bên trên, có thể thấy rằng, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tái phát của răng hô sau khi niềng răng là do tay nghề, kinh nghiệm và kỹ thuật niềng răng của bác sĩ chỉnh nha không đảm bảo.
Nếu như bác sĩ có thể lập ra được lộ trình điều trị chi tiết và rõ ràng thì không thể xảy ra tình trạng răng chưa được cố định tại vị trí mới đã tháo bỏ dụng cụ niềng răng. Thời gian đeo niềng hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ hô nặng, nhẹ hay lệch khớp cắn của ca niềng răng. Tuy nhiên những chuyên gia chỉnh nha giàu kinh nghiệm luôn nắm chắc được, khi nào thì bệnh nhân của mình được tháo niềng và sau đó cần đeo hàm duy trì trong bao lâu.
Chính vì vậy, lựa chọn được một trung tâm chỉnh nha uy tín, chất lượng có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả niềng răng có ưng ý hay không. Bạn cần tìm hiểu thật kỹ vấn đề này trước khi quyết định niềng răng.
Đọc thêm: Chạy răng sau khi niềng xử lý thế nào?
Khắc phục tình trạng răng hô trở lại sau niềng răng
Răng di chuyển và hô trở lại sau khi niềng răng khiến bạn thấy khá khó chịu, bạn cảm thấy như toàn bộ quá trình niềng răng đau đớn là một sự lãng phí thời gian và tiền bạc. Vậy hãy cùng chúng tôi xem xét cách để khắc phục tình trạng này bằng các phương pháp dưới đây.
Tới gặp bác sĩ chỉnh nha kịp thời khi thấy răng có dấu hiệu xô lệch trở lại
Khi thấy hiện tượng răng hô tái phát, bạn cần tới gặp bác sĩ chỉnh nha ngay để tìm phương án xử lý. Tại đây, bác sĩ có thể tìm ra nguyên nhân gây ra hiện tượng răng di chuyển về vị trí cũ và căn cứ vào đó đưa ra biện pháp khắc phục.
Trong một số trường hợp, bạn sẽ phải đeo niềng trở lại trong một thời gian để tiếp tục điều chỉnh răng.
Các trường hợp khác có thể dùng hàm duy trì để cố định vị trí của răng trong một thời gian nhất định, giúp răng ổn định và không bị xô lệch trở lại.
Đeo hàm duy trì đúng cách, đúng thời gian
Hàm duy trì là gì?
Hàm duy trì là khí cụ nha khoa hỗ trợ việc cố định răng cho người niềng răng sau khi đã tháo mắc cài và dây cung. Nó có tác dụng giúp cho răng ổn định nhanh chóng hơn, duy trì kết quả niềng răng.
Hàm duy trì thường có 2 dạng: cố định và tháo lắp. Khí cụ này có nhiều loại khác nhau tùy vào sự lựa chọn của bạn như khay nhựa trong suốt, hoặc làm bằng móc kim loại, cũng có thể là khung cố định.
Tìm hiểu chi tiết: các loại hàm duy trì sau chỉnh nha
Thời gian đeo hàm duy trì
- Thông thường, một ca chỉnh răng cho người trưởng thành với tình trạng phục hồi và tốc độ tái tạo xương, mô răng ở mức độ bình thường thì cần 6-12 tháng đeo hàm duy trì. Thời gian này có thể rút ngắn xuống khoảng 3 tháng đối với người có răng khỏe mạnh, nhanh chóng hồi phục ổn định.
- Với trẻ em, bác sĩ có thể chỉnh định đeo hàm duy trì đến khi trưởng thành vì lúc này răng và xương hàm mới phát triển ổn định.
Nhìn chung, thời gian đeo hàm duy trì là do bác sĩ chỉnh nha của bạn quyết định. Điều bạn cần làm là kiên trì đeo hàm duy trì theo hướng dẫn và tuân thủ việc vệ sinh hàm duy trì như sau:
Vệ sinh hàm duy trì thường xuyên
Với hàm duy trì cố định, cách vệ sinh răng miệng cũng cần sự tỉ mỉ và nhiều công sức giống như khi còn đeo niềng răng. Bạn nên chải thật kỹ răng miệng sau khi ăn và dùng chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn có thể mắc trên răng và hàm duy trì.
Với hàm duy trì tháo lắp, cần vệ sinh chúng hàng ngày sau khi ăn bằng bàn chải mềm và nếu hàm duy trì là khay nhựa, bạn không nên vệ sinh bằng nước quá nóng. Hành động này sẽ khiến khay duy trì bị biến dạng, không phù hợp với răng nữa.
Nói chung, đeo hàm duy trì đủ thời gian yêu cầu vừa là cách để điều trị răng bị hô trở lại sau khi niềng răng, đồng thời cũng là cách để đề phòng tình trạng này xảy ra.
Ngoài ra, còn một số biện pháp giúp phòng ngừa vấn đề răng xô lệch và hô trở lại sau khi niềng răng như sau:
Kết hợp chế độ ăn uống giúp xương răng và nướu chắc khỏe
Có thể bạn chưa quan tâm đến tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự tái tạo, hồi phục của các mô nướu và mô xương răng. Như đã nói ở trên, xương quanh răng có thể bị loại bỏ khi niềng răng tác động lực theo một hướng trong một khoảng thời gian đủ lâu, sau đó các mô xương răng sẽ tái tạo bao quanh chân răng ở vị trí mới. Dinh dưỡng rất cần thiết cho quá trình tái tạo và ổn định vị trí của răng. Dưới đây là top các loại thực phẩm tốt cho sự hồi phục của răng khi niềng răng, bạn có thể tham khảo sử dụng:
- Thực phẩm giàu canxi. Canxi là một khoáng chất quan trọng giúp cho xương và răng chắc khỏe, giảm nguy cơ còi xương ở trẻ nhỏ và loãng xương ở người già. Các loại thực phẩm chứa canxi phổ biến gồm có
- Sữa và các thực phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, bơ… rất giàu canxi và các dưỡng chất khác như protein, vitamin A, D…
- Tôm tép, cá thu, cá hồi, cua đồng… là các loại thủy hải sản chứa hàm lượng canxi cao và hàm lượng các chết dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, được khuyến cáo sử dụng thường xuyên.
- Trứng gà là nguồn bổ sung canxi, protein và chất béo tốt cho sức khỏe.
- Thực phẩm giàu chất xơ. Chất xơ chứa nhiều trong yến mạch, ngũ cốc, một số loại hoa quả như táo, bơ, chuối, củ cải đường, cà rốt… Những loại thực phẩm giàu chất xơ này làm tăng tiết nước bọt giúp tăng hàm lượng khoáng chất, chống lại sự tấn công của axit và hao hụt khoáng chất trong khoang miệng, góp phần vào sự phục hồi và tái tạo tế bào mô nướu, mô xương răng.
- Các loại rau xanh và hoa quả. Rau xanh chứa rất nhiều vitamin C và khoáng chất cần thiết cho sự chuyển hóa ở bất kỳ loại tế bào nào, bao gồm cả răng miệng, giúp sản sinh tế bào mới. Bổ sung đủ vitamin C, nướu răng sẽ chắc khỏe và có độ đàn hồi, giúp nâng đỡ răng tốt hơn. Rau xanh cũng giàu axit folic và canxi, nên đây chắc chắn là một lựa chọn tốt cho sức khỏe của toàn bộ cơ thể.
Qua đây, có thể thấy được dinh dưỡng rất quan trọng và đặc biệt quan trọng với người niềng răng. Bạn cần chú ý đảm bảo chế độ ăn uống ngay cả khi đang niềng răng và sau khi đã tháo niềng răng vì răng của bạn rất dễ bị xê dịch trở lại nếu chúng chưa ổn định cấu trúc nâng đỡ.
Mong rằng, bài viết này đã làm sáng tỏ vấn đề răng hô trở lại sau khi niềng răng, và nếu bạn đang gặp phải tình trạng này thì cũng không cần quá thất vọng, hãy tìm đến bác sĩ chỉnh nha của bạn để có phương án phục hồi tốt nhất. Hi vọng, răng của bạn sớm được đều đẹp trở lại.
Có thể bạn quan tâm: Làm sao để có nụ cười đẹp tự nhiên sau khi niềng?